Thế giới ngày càng hiện đại, phát triển; con người luôn phải chạy theo nhịp sống của nhau; cuộc sống xô bồ, nền văn hóa vồ vập hối hả dường như đã làm họ quên đi mọi thứ xung quanh. Con người luôn sống một cách “ích kỷ”, họ chạy theo cuộc sống để kiếm thêm tiền, danh tiếng, địa vị xã hội… Tất cả chỉ để khẳng định vị thế bản thân trên trần gian này. Họ cho rằng tất cả những gì tạo hóa dành tặng họ, những gì họ cố gắng gầy dựng đều là phần quà xứng đáng để bồi lên vẻ ngoài hào nhoáng. Có lẽ con người ta quên mất rằng “Chúa đã ban cho các con nhiều phẩm chất, khuynh hướng, ân ban và đặc sủng không phải cho các con, nhưng để chia sẻ cho anh chị em xung quanh các con” (Trích câu 286 – Christus Vivit). Con người sinh ra không phải là cho chính họ mà là cho Thiên Chúa, cho tha nhân. Họ là một sứ mạng trên trần gian này - đó là lí do vì sao họ hiện diện trên trần gian này. Sứ mạng ấy là một ân ban và cũng là một đòi hỏi nữa. Đòi hỏi ta phát triển món quà ấy và rồi trở thành món quà cho người khác. Chúng ta nên tự hỏi bản thân “Bằng cách nào tôi có thể phục vụ người khác tốt hơn và cho thấy mình có ích nhất cho thế giới và cho Giáo Hội”. Đây chính là cách tốt nhất để trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”
Chúa Giêsu đã đến trần gian với sứ mạng tư tế, ngôn sứ và vương giả. Ngài đã dùng 33 năm cuộc đời để thực thi điều mà Chúa Cha mong muốn. Sau cùng Ngài hiến dâng chính mình Ngài trên thập giá trong hành động của tình yêu hiến tế để cứu chúng ta khỏi tội lỗi.
Sứ mạng của Đức Maria là làm “Mẹ Thiên Chúa” - một sứ mạng quá đỗi to lớn. Nhưng Mẹ đã đáp lại lời “xin vâng” đầy mạnh mẽ và sẵn sàng đón nhận mọi rủi ro từ lời hứa của Chúa. Thấu làm sao hết nỗi đau của người mẹ khi đứa con mà mình cưu mang 9 tháng 10 ngày phải chịu chết thay cho nhân loại.
Vậy tại sao Chúa Giêsu, Đức Maria cũng là bản tính con người, cảm xúc của con người mà còn có thể dấn thân, hy sinh như vậy mà chúng ta – những người trẻ lại không làm được. Hãy tập sống quên mình một chút, im lặng và lắng nghe thế giới xung quanh một chút, để biết Chúa muốn nói gì với ta và ta sẽ biết ta phải làm gì cho thế giới. Thật ý nghĩa nếu như chúng ta năng chạy đến với tha nhân, chia sẻ kinh nghiệm đời mình cho người khác, giúp đỡ những người nghèo cả về vật chất và tinh thần, những người có cuộc sống không may mắn bằng chúng ta. Sống đừng chỉ nhận mà hãy cho đi. Vì cho thì có phúc hơn là nhận.
Tác giả: Maria Trần Thị Lệ Hằng