Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi là một sứ mạng trên trần gian này; đó là lý do vì sao tôi hiện diện trong thế giới này.” [ 254 – Christus Vivit ]
Nào trước hết chúng ta hãy tìm hiểu thế nào là “ ơn gọi” và thế nào là “ sứ mạng”?
“Ơn gọi có thể hiểu theo nghĩa rộng như là một lời mời gọi từ Thiên Chúa, bao gồm lời mời gọi bước vào cuộc đời này, làm bạn với Ngài, nên thánh và nhiều lời mời gọi khác nữa.” [ 248 CV ]
Còn sứ mạng là chúng ta dấn thân thực hiện ơn gọi đó của mình. Đây thực chất chính là việc chúng ta tự do đáp lại lời mời gọi của Chúa trong cuộc đời này. Giống như sứ mạng của Đức Giê-su Ki-tô là đến trần gian rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho nhân loại. Ngài đã đáp lại lời mời gọi của Chúa Cha để đến với chúng ta. Và Ngài thực hiện lời mời gọi đó đến hơi thở cuối cùng đó chính là sứ mạng của Ngài. Và dĩ nhiên Ngài còn rất nhiều sứ mạng khác như là chữa lành bệnh tật, an ủi kẻ bị loại bỏ bên lề xã hội; giảng dạy cho dân chúng và đào tạo các môn đệ về con đường truyền giáo…
Ngày nay không lạ gì về vấn đề vô cảm, bởi vì ít nhiều trong chúng ta cũng đã từng vô cảm một lần trong đời, phải không bạn?
Thông thường vô cảm được hiểu là một người không có cảm giác, không biết rung động trước một sự việc nào đó, không có cảm xúc trước một hoàn cảnh đau thương của một ai đó. Vô cảm là một người sống dửng dưng, phớt lờ không quan tâm đến nỗi đau của người khác.
Điều đáng nói là không ai trên đời này không có cảm xúc, hay rung động trước nỗi đau của người khác cả trừ con Robot. Thế nhưng con người ta can đảm đến mức chấp nhận sống như con Robot không cảm xúc, không rung động...hoặc giả như có thì cũng can đảm cố tình phớt lờ. Cố tình "vô cảm" không khác gì đang cố tình bóp chết "lương tâm" mình. Bởi vì biết rung động, biết đồng cảm trước nỗi đau của người khác là chúng ta đang đáp lại tiếng gọi đang vang vọng trước lương tâm mình.
Tôi không phủ nhận cách định nghĩa trên thế nhưng trong bài chia sẻ này tôi xin nói đến hai khía cạnh vô cảm khác mà tôi đề cập sau đây:
Vô cảm là một người không có lòng thương xót và không có tình huynh đệ. Để hiểu rõ hơn hai khía cạnh này hãy cùng tôi xem lại dụ ngôn người Samari tốt lành được thuật lại trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca 10,30-37 :
Đức Giê-su đáp: “ Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “ nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? Người thông luật trả lời: “ Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “ Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”
- Khía cạnh thứ nhất: người không có lòng thương xót.
Như chúng ta thấy trong trường hợp trên có ba người cùng đi ngang qua trên một con đường, cùng chứng kiến một tình huống, sự việc, nhưng lại khác nhau về suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Hai người đầu tiên thì không chạnh lòng thương, dửng dưng đi ngang qua, còn người Sa-ma-ri thấy vậy thì chạnh lòng thương …. Kinh Thánh mô tả cho chúng ta thấy rất rõ ràng về hành động của ông ta phải không. Thật là một sự quảng đại và giàu tình thương của người Sa-ma-ri nhân lành này. Thiết nghĩ rằng một người không có lòng thương xót làm sao có thể hành động và làm được như vậy. Tôi nghĩ động cơ lớn nhất khiến ông ta hành động cao đẹp như vậy không phải ông ta vốn là người đạo đức hay nhân lành. Tôi thầm đoán rằng là vì ông yêu mến Thiên Chúa, sự yêu mến Thiên Chúa không chỉ nói trên môi miệng, thay vào đó là hãy im lặng và hãy hành động đó chính là tiếng nói cao cả nhất, đẹp lòng Thiên Chúa. Và Chúa Giê-su kêu gọi ông thông luật cũng như chúng ta ngày nay rằng “ hãy hành động như vậy” thay vì chỉ nói .
Một mục đích lớn nhất để chúng ta phải sống trong tình yêu thương và bày tỏ lòng thương xót đến với mọi người chính là đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa bằng sự tự do. Thực chất đây cũng chính là cách chúng ta đang thực thi sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao ban, và quả thật đây cũng là đại mệnh lệnh của Người đang mời gọi chúng ta.
Thật vậy, để có một trái tim nhạy cảm biết thương người thì việc huấn luyện lương tâm là điều rất cấp thiết:
“ Huấn luyện lương tâm là hành trình của đời người. chúng ta phải nuôi dưỡng những tâm tình của Chúa Giê-su Ki-tô, khám phá những tiêu chuẩn ẩn sau những lựa chọn và những ý định trong những hành động của Người.” [ 281 CV ]
Không có lòng thương xót cũng đồng nghĩa với việc sống dửng dưng, vô cảm. Cũng chẳng có lợi ích gì khi phải sống một lối sống như thế, sẽ tốt hơn biết bao nếu như đời sống tràn đầy tình nhân ái với nhau.
- Khía cạnh thứ hai: không có tình huynh đệ.
Có một bài hát: Gặp Gỡ Đức Ki-tô của Linh Mục Tiến lộc, lời bài hát đó như sau :
Gặp gỡ đức Ki-tô biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ đức Ki-tô đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ đức Ki-tô chân thành mình gặp mình Gặp gỡ đức Ki-tô nảy sinh tình đệ huynh Nguồn suối nếu bế tắc thì dòng sông mau cạn khô Tình yêu không Ki-tô, ôi tình yêu sao cằn cỗi Vì Chúa chính nguồn suối, nguồn yêu thương vô biên Biển yêu thương nối liền các hoang đảo giữa đại dương , Nguồn sống kiếp lữ khách, lộ trình xa ôi thật xa Dọc đường nguy nan phong ba, đơn độc đấu tranh nghiệt ngã Vì chính Ngài tiến đến, nhẹ tay nâng mình lên Ủi an như mẹ hiền, chính Ngài Chúa tình yêu.
Ở một góc nhìn nào đó, lời bài hát này làm tôi nhớ đến bốn thông điệp lớn mà Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho các bạn trẻ trong tông huấn Christus Vivit, nhưng trong bài viết này tôi chỉ trình bày thông điệp 1 và 3:
Thứ nhất: Thiên Chúa là tình yêu
Một tình yêu vô biên, một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu không phân biệt, một tình yêu rộng mở và một tình yêu dành cho tất cả mọi người. Chỉ khi con người ta thực sự cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, thì chúng ta mới thực sự dám sống cho người khác
Thứ hai: Đức Ki-tô vẫn đang sống và sống giữa chúng ta.
“ Nếu ai nói: “ Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng hãy yêu thương người anh em mình.” [ 1 Gio-an 4, 20-21 ]
Tôi nghĩ rằng ngày nay Thiên Chúa muốn bày tỏ tình yêu thương của Ngài cho tha nhân qua người Ki-tô hữu, vì chúng ta đã được gia nhập vào Hội Thánh Người, mang trong mình một sứ mạng đó là loan báo Tin Mừng và trở thành môn đệ của Ngài.
Muốn yêu mến mọi người, giúp đỡ kẻ này người khác trước hết là phải biết yêu mến Thiên Chúa, hoặc ngược lại muốn yêu mến Thiên Chúa được thì trước hết cần phải biết yêu mến mọi người xung quanh mình. Nếu không như thế chúng ta sẽ trở thành những người tự nói dối mình.
Dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân lành mà tôi đã viết lại ở phần đầu cho chúng ta thấy rõ gương mặt một tình yêu thương vị tha, chắc chắn rằng động cơ lớn nhất ông ta làm là vì tình yêu của Thiên Chúa trước hết.
Ông ta không phân biệt nạn nhân là ai, họ có họ hàng gì với mình không, có bạn bè thân thiết với mình không ?
Không ! Ông ta hành động hoàn toàn tự do, vui mừng, và không phân biệt. Tại sao ông ta có thể làm điều này? Về cơ bản ông ta nhìn mọi người như cái nhìn của Thiên Chúa bằng ánh mắt cảm thông và xót thương. Dù quen biết hay không quen biết, dù họ hàng hay không họ hàng đều là những người anh em chung với nhau trong Đức Ki-tô. Quả thật sống trong Đức Ki-tô sẽ phải chấp nhận phá bỏ một phần những rào cản về những giới hạn họ hàng, bạn bè thân thuộc để lo cho tình yêu của Thiên Chúa trước hết.
Vậy thì chúng ta không có người anh em sao? Thưa tất cả mọi người đều là anh em của chúng ta. Ai nhân danh Đức Giê-su Ki-tô mà sống đó là người anh em của chúng ta. Chúa Giê-su nói: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” [ Mc 3, 35].
Chúa vẫn đang sống với chúng ta, Ngài thúc giục chúng ta hành động yêu thương, dấn thân xã hội.
Đức Thánh Cha Phanxicô có nhắc chúng ta điều này: “Đừng quên rằng ơn gọi Ki-tô hữu giáo dân trước hết sống tình yêu trong gia đình, bác ái xã hội và chính trị. Nó là một sự dấn thân dựa trên đức tin để xây dựng một xã hội mới.”[168 – CV]
Tôi rất thích lời bài hát dưới này:
Ðâu có tình yêu thương ở đấy có Ðức Chúa Trời. Ðâu có lòng từ bi là đấy có ân sủng Người. Ðâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không ngơi. Ðâu ý hợp tâm đầu ở đấy chứa chan nguồn vui. Nài xin tha thiết Thượng Ðế muôn tình lân ái xin hãy đổ đầy linh hồn tình yêu thiết tha. Yêu Chúa hết lòng hết sức hết cả trí khôn, cùng yêu anh em như Chúa mến yêu chúng con.
Nguyện xin Thiên Chúa đoàn kết muôn người một ý. Xin hãy duy trì trí lòng hòa hợp mến yêu. Diệt tan căm thù chia rẽ oán hờn ghét ghen. Gìn giữ Ðức Ái: yêu Chúa mến thương anh em.
Hãy xem địa cầu này như là một ngôi nhà chung của chúng ta, hãy đối xử với tất cả mọi người như là những người anh em của mình được Thiên Chúa giao phó cho mình.
Tôi muốn kết luận tại đây, một người sống vô cảm ngoài những lý do thông thường được hiểu thì ở khía cạnh niềm tin Ki-tô của chúng ta, Trái tim thiếu lòng thương xót, và không có tình huynh đệ cũng là một dạng vô cảm.
Vậy làm sao để khắc phục nó. Đức Thánh Cha Phanxicô ngài khuyên chúng ta rằng: “Chúng ta lớn lên trong sự khôn ngoan và trưởng thành khi dành thời gian để chạm tới nỗi đau khổ của người khác.” [ 171 CV ]
Thay vì chỉ biết hỏi rằng: TÔI LÀ AI? Để chứng minh bản thân cho xã hội thấy. Thì hãy hỏi như Đức Thánh Cha gợi ý rằng: TÔI DÀNH CHO AI?
TÔI DÀNH CHO AI? Nghĩa là chúng ta sống vì người khác. Vì người khác có nghĩa là chúng ta hy sinh - chấp nhận chết trong lòng một ít vì bạn hữu.
Nếu được chọn 2 từ đẹp nhất trên đời này tôi sẽ chọn hai từ: "VÌ NHAU". Vì nhau nói lên tinh thần của sự gắn kết trung thành và một tình bạn có trách nhiệm sâu sắc. Hãy vì nhau mà sống tốt hơn, hãy vì nhau mà chịu đựng - hy sinh, hãy vì nhau mà đồng cảm với người anh em mình. Và hãy vì nhau mà sống. Và tôi tin rằng " vì nhau" là liều thuốc đặc trị có thể chữa bênh "vô cảm".
Năm xưa Chúa Giê-su tặng cho chúng ta một món quà rất đắt giá và hầu như không thể quy đổi bằng tiền bạc được đó chính là món quà: “Bạn hữu”. Tất cả những gì Ngài làm, bao gồm việc Ngài chịu đựng máu đào, đòn roi, nước mắt và khinh bỉ của con người là VÌ CHÚNG TA.
Ngài làm bạn với chúng ta để cùng đồng hành với chúng ta làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn.
Có thể bạn không ấn tượng gì về ý tưởng của tôi vừa chia sẻ trên đây, nhưng đây là ba thông điệp mà tôi muốn gửi cho bạn. Tôi khuyên bạn đừng bao giờ quên nó. Hãy chỉ nhớ ba điều này thôi:
CÓ CHÚA BIẾT BẠN
CÓ CHÚA YÊU BẠN
CÓ CHÚA ĐỒNG HÀNH CÙNG BẠN
Bởi vì tôi biết rằng sống theo tiếng gọi của Người bạn Giê-su không hề dễ, đôi khi bạn sẽ gặp sự chống đối, khước từ của mọi người. Đôi khi bạn phải chấp nhận sự thiệt thòi cho cuộc đời mình để làm cho người khác cần giúp đỡ được vui. Đôi khi bạn sẽ gặp sự thất vọng, trống vắng và nản lòng. Nhưng đừng lo bạn nhé. Mọi người có thể sẽ không nhìn thấy được lòng tốt của bạn làm cho người khác. Mọi người có thể phủ nhận tình yêu của bạn dành cho người đau yếu, bệnh tật cần giúp đỡ. Nhưng hãy mãi nhắc bản thân mình rằng:
CÓ CHÚA BIẾT BẠN
CÓ CHÚA YÊU BẠN
CÓ CHÚA ĐỒNG HÀNH CÙNG BẠN
“Giáo hội cần nhiệt huyết của các con, trí tuệ và đức tin của các con.”
[ 299 CV ]
From Phê-rô Điểu Vượt 27.06.2020
Ghi chú: CV là viết tắt của: Christus Vivit
��
"Ngài làm bạn với chúng ta để cùng đồng hành với chúng ta làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn."
Cuộc sống trở nên nhẹ nhàng biết bao khi có Chúa đồng hành...!
Anh viết hay quá và cũng rất ý nghĩa nữa 🥰🥰