Giáo hội hôm nay đang phải đối diện với cơn bão khủng hoảng đức tin. Trong đó, người tín hữu trẻ dường như bị lôi cuốn theo vòng xoáy cuồng si của xã hội, quên đi căn tính đích thực của bản thân. Giữa cơn giông tố đó, họ đánh mất phương hướng tìm đến cùng đích ý nghĩa cuộc đời. May mắn thay, tông huấn Christus Vivit_ Đức Kitô đang sống trở thành chiếc la bàn đắc lực hướng dẫn người trẻ: “Đừng để người ta cướp mất niềm hy vọng và niềm vui của con, đừng để họ làm cho con lệ thuộc vào ma tuý và sử dụng con như nô lệ phục vụ lợi ích của họ. Con hãy dám “là mình” hơn nữa, vì nhân vị của con thì quan trọng hơn bất cứ gì khác. Của cải hay ngoại hình chẳng ích gì cho con”(Số 107).
Xã hội hiện đại dùng quảng cáo như một thứ công cụ đầy mãnh lực để đánh tráo công dụng của các sản phẩm tiêu dùng. Họ tuyên truyền dùng sản phẩm này mới khiến bạn đàn ông đích thực; có sản phẩm kia mới là người phụ nữ hiện đại. Chiếc đồng hồ, điện thoại, trang phục trở thành biểu tượng của một người sang trọng, đẳng cấp. Người nghe, người xem ngô nghê bị họ điều khiển mặc sức chạy theo trào lưu họ đề ra; chạy hoài mà không thấy được đích, không thấy thỏa mãn. Bởi, những thay đổi bên ngoài không thể giúp ta đạt được giá trị phẩm chất đích thực bên trong. Như thế, người trẻ cần ý thức mình thật sự thiếu gì, cần gì để tránh bị rơi vào bẫy của thương mại thị trường. Nói cách khác, hãy tự biết mình.
Từ chỗ biết mình đến việc dám sống là chính mình là một con đường dài nhiều ngăn trở từ chủ quan đến khách quan. Vì khi dám là mình dường như trở thành kẻ biệt dị giữa đám đông. Mỗi người khi sinh ra không thể lựa chọn gia đình, màu da, môi trường sống. Nhưng khi lớn lên ta có quyền là chính mình: làm điều mình tin, theo đuổi điều mình yêu thích, sống như mình muốn. Như thế mới có thể có một cuộc sống thi vị đầy trải nghiệm.
Tuy vậy, chẳng ai có thể biết mình, biết rốt ráo ý nghĩa sự sống mình nếu chỉ thu mình trong vỏ ốc ái kỷ cả. Bởi con người là hữu thể có tính xã hội nên tương quan tha nhân chính là một phần của bất cứ ai. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta bước qua chính mình để nên thánh: “Ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy”(Mt 16,24). Bước ra khỏi chính mình để gặp gỡ tha nhân, ta lại gặp được chính mình, thấy mình rõ ràng hơn. Ví như hai dòng sông gặp nhau, mỗi dòng mới biết nước mình đục trong thế nào. Kinh Hòa bình nhắc nhở chúng ta: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”.
Hội thánh dạy con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà trong đó Đức Ki-tô là phản ánh trung thực của Ngài. Như thế, cách nào đó con người được dựng theo hình ảnh Đức Ki-tô, xét theo thần tính vượt thời gian của Người. Và “Ngôi lời đã làm người”, Đức Giê-su trở thành tha nhân của ta. Trong luồng suy luận đó, chúng ta có một cứu cánh để vươn tới: “Con có thể trở thành người mà Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo nên con, biết con là thế, nếu con nhận ra rằng con được mời gọi vươn lên”(tiếp số 107, Christus Vivit). Nói như thế không phải chúng ta rập khuôn để thành Giê-su, nhưng trở thành một Ki-tô khác (hòa nhập nhưng không hòa tan). Một cách dễ hiểu, Đức Ki-tô là con đường cho ta đi. Tùy vào năng động sáng tạo của mỗi người mà có cách thức đi trên con đường ấy. Khi đó, mọi việc ta làm dù tầm thường đều có ý nghĩa và trở thành niềm vui.
Fx. Mai Đình Tiến
(ảnh từ internet)
FOR WHOM AM I???
bài viết chuẩn