Con người được Thiên Chúa tạo dựng nên cách đặc biệt. Họ có lý trí sáng suốt, có linh hồn bất tử và có quyền tự do chọn lựa, những điều khiến họ trở nên cao quý và được Thiên Chúa giao quyền thống trị mặt đất[1]. Nhưng có phải ai cũng ý thức mình là ai, đang ở đâu, mình cần phải làm gì và mục đích sống ở trần thế là để làm gì không? Hằng ngày, người ta sẵn sàng bỏ sức cùng lực kiệt ra để làm việc từ sáng tinh mơ cho đến tối mịt mờ để vì mục đích gì đây? Phải chăng là hạnh phúc? Vậy mà dường như thứ hạnh phúc đó cũng ngắn hạn, chóng qua, do lý trí và tự do kiểu bản năng của họ.
Chúa đã đặt chúng ta vào thế gian, có phải chỉ để kiếm tiền, no đủ, bằng lòng và rồi chết đi hay không? Có phải quá là nhạt nhẽo khi suy nghĩ như vậy? Người khôn ngoan là người biết được cái gì là thực sự quan trọng, để rồi dành hết sức đời mình cố gắng để đạt được nó, dù có phải hy sinh tất cả và đôi khi là cả tính mạng mình đi chăng nữa!
Vậy cái gì là thực sự quan trọng?
Tôi là một người trẻ vừa bước sang ngưỡng cửa 23, độ tuổi căng tràn sức sống, nhưng đây cũng là thời điểm mà tôi phải đối diện với biết bao sự lựa chọn và biết bao áp lực với hai chữ mang tên “trưởng thành”. Sự trưởng thành đã làm cho tôi tự vấn: “Tôi sinh ra để làm gì?” hay “Tôi là ai vậy?”. Như bên Phật giáo, người ta gọi những điều đó là sự giác ngộ?! Tôi đây cũng đang hằng ngày đi tìm cho ra bản chất thực sự của đời tôi là gì?
Thật may mắn khi vào độ tuổi này, độ tuổi chông chênh theo như tôi nhận định, tôi lại có duyên song hành với sự ra đời của tông huấn Christus Vivit, tông huấn hậu Thượng hội đồng do Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành để đặc biệt dành riêng cho giới trẻ - những người “đang lao mình về phía trước với những triển vọng và cả những ảo tưởng”[2]. Qua tông huấn, tôi đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi hóc búa nhất của đời mình: “Điều gì là thực sự quan trọng mà tôi cần hướng tới?”. Câu trả lời nằm ở Christus Vivit số 286, ĐTC đã nói cho tôi và các bạn trẻ nghe rằng:
"Rất thường trong đời sống, chúng ta phí thời gian để tự hỏi ‘Tôi là ai?’ Các con có thể tiếp tục hỏi mãi ‘Tôi là ai?’ trong suốt cuộc sống còn lại của mình. Nhưng câu hỏi thực là: Tôi sống cho ai?’”.
Đúng vậy. Tại sao tôi phải đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Tôi là ai?”, khi mà lúc sinh ra, tôi đã là một tặng phẩm dâng lên cho Chúa, và tôi sống là để dành cho Ngài! Chỉ cần biết vậy thôi là tâm hồn tôi đã khoan khoái lên rồi. Hay nói cách khác, tâm hồn tôi đã bớt đi sự khắc khoải cho những tháng ngày mòn mỏi đi tìm kiếm… về một chân lý thực sự...cho đời mình. Như thánh Augustino đã nói: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa và tâm hồn chúng con khắc khoải cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa”[3].
Suy tư đến đây, tôi lại nghĩ về sự giác ngộ bên Phật giáo, người theo Phật giáo luôn đi tìm kiếm sự giải thoát cho đời mình. Nói cách dễ hiểu, giác ngộ là nhìn ra được bản chất thực sự của đời mình, của thế gian và của vạn vật…Còn Đức tin Kitô giáo thì sao? Tôi nghĩ rằng sự “giác ngộ” nơi Đức tin Kitô giáo chính là một con đường – con đường nên thánh, mà thực ra chúng ta đâu cần phải đi tìm kiếm đâu xa. Chính Đức Giêsu Kitô là sự “giác ngộ” cao nhất. Ngài đã mở đường và việc của tôi cùng các bạn chỉ cần đó chính là tin vào Ngài, đón nhận Ngài, và sống như Ngài. Chính Đức Giêsu đã nói trong Tin Mừng theo thánh Gioan rằng: “Ta chính là đường, là sự thật và là sự sống, ai tin vào Ta sẽ được sự sống muôn đời” [4].
Đọc tông huấn Christus Vivit, tôi nhận ra được con đường mà mình phải đi. Đó là những cách thức làm cho tôi nên thánh trong đời sống này. Những suy tư, những lời chia sẻ trong quyển sách nhỏ bé này như tấm gương soi rọi tâm hồn tôi vậy. Nó như một dòng suối trải rộng ra hết mọi suy nghĩ, mọi điều mà tôi đang thắc mắc và khắc khoải trông chờ! Đó là những câu, những đoạn mà ĐTC Phanxicô đã dạy cho tôi biết rằng:
Phải yêu như thế nào:
“Các con ơi, hãy yêu đi, hãy cho phép mình được yêu, vì không gì thực tiễn hơn là tìm thấy Thiên Chúa, không gì thực tiễn hơn là yêu một cách dứt khoát và tuyệt đối”[5].
Phải biết khóc như thế nào:
“Các con hãy học để biết khóc cho tất cả những bạn trẻ kém may mắn hơn mình… vì một khi các con có thể khóc, các con sẽ có thể giúp đỡ người khác với cả tấm lòng”[6].
Phải biết mỉm cười và hy vọng ra sao:
“Đừng cho phép người ta cướp đi khỏi các con niềm vui và hy vọng, đừng để họ đầu độc và biến các con thành nô lệ phục vụ cho những lợi ích của họ. Các con hãy dám vượt lên trên chính mình, vì ‘mình là ai’ thì quan trọng hơn là ‘mình có gì’”[7].
Và ngài còn dạy tôi một điều quan trọng khác nữa đó là phải sống là chính tôi thế nào:
“Nên thánh có nghĩa là trở nên chính mình đầy đủ hơn, trở nên điều mà Chúa đã mong muốn ước mơ và sáng tạo, chứ không phải một bản sao”[8].
Tất cả những điều đó đã gợi hứng cho tôi về một tình yêu dạt dào vào Thiên Chúa, và tiếp nữa là biết yêu hơn chính đời sống mà tôi đang tạm trú này. Tôi khao khát được sống một cuộc đời sẽ “làm nở hoa trên những chặng đường tôi đi tới”, sống một cuộc đời mang khuôn mặt của Đức Kitô, khuôn mặt của sự yêu thương và san sẻ.
Tông huấn còn dạy tôi sống cho Chúa và dành cho Người, không phải chỉ là hướng về Người mà thôi, mà tôi còn phải biết yêu thương anh chị em xung quanh vì “Người đã quyết định rằng các con phải sống cho tha nhân nữa…để chia sẻ cho anh chị em xung quanh các con”[9]. Tại sao tôi phải yêu thương tha nhân ư? Đơn giản vì tha nhân chính là hình ảnh của Thiên Chúa giữa đời thường, tha nhân chính là cách để Thiên Chúa tỏ mình là một Tình Yêu chân thật và duy nhất. Như Mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta đã nói:“Thiên Chúa dựa vào chúng ta để yêu thương thế giới và để cho thấy Ngài yêu thương biết là ngần nào!”[10].
Qua tông huấn, tôi nhìn nhận được rằng tuổi trẻ là một khoảng thời gian quý giá và tuổi trẻ chúng tôi đây – “không chỉ là tương lai của thế giới mà chúng tôi còn là hiện tại, ngay lúc này đây chúng tôi đang góp phần làm phong phú thế giới”[11]. Tuổi trẻ, khoảng thời gian xứng đáng được tôn trọng và nhìn nhận nhiều hơn. Bởi vì ngày nay đã đến thời, những người trẻ sớm nhận ra được ơn gọi nên thánh và sống thánh của mình. Càng ngày càng có những tấm gương người trẻ sống thánh cho chúng ta học hỏi như thánh Đaminh Savio, thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu, hay ba vị thánh trẻ Dòng Tên, đó là thánh Stanislao Kostka (18 tuổi); thánh Luy Gonzaga (23 tuổi) hay là thánh Gioan Berchmans (22 tuổi)… Thật không sai khi Đức Thánh Cha đã nói rằng: “Trái tim người trẻ phải được xem là nơi thánh”[12].
Thật vậy, qua các trải nghiệm về việc đọc và suy tư tông huấn Christus Vivit, tôi đã nhận ra được bản chất thực sự của đời tôi: đó chính là tôi sinh ra là để dành cho Chúa, sống cho Chúa và sống cho cả tha nhân nữa. Ngoài ra, tôi còn nhận ra một điều quan trọng không kém rằng: tôi phải sống là chính tôi, tôi phải nên thánh theo con đường của riêng tôi, và tôi chính là một tặng phẩm được Thiên Chúa gửi gắm vào thế gian này, để làm nơi trao gửi tình yêu thương của Ngài đến với nhân loại này.
Lạy Chúa, xin luôn ở bên và đồng hành cùng chúng con,
là những người trẻ biết sống trọn vẹn nhất từng giây phút hiện tại,
và cho mỗi chúng con biết làm cho thế giới này
trở nên một nơi tràn ngập tình yêu thương
và ân sủng của Ngài. Amen
Tác giả: Phanxicô Xavie Nguyễn Tuấn Anh
(ảnh minh họa: internet)
Chú thích: [1] St 1,26 [2] ĐTC PHANXICÔ, tông huấn Christus Vivit - Chúa Kitô Đang Sống, 25/3/2019, bản dịch của Lm. Công Đức, số 139. [3] AUGUSTINO, Tự thú, I,1,1:PL 32, 661 [4] Ga 14,6
[5] ĐTC PHANXICÔ, tông huấn Christus Vivit - Chúa Kitô Đang Sống, 25/3/2019, bản dịch của Lm. Công Đức, số 132
[6] ĐTC PHANXICÔ, tông huấn Christus Vivit - Chúa Kitô Đang Sống, 25/3/2019, bản dịch của Lm. Công Đức, số 76
[7] ĐTC PHANXICÔ, tông huấn Christus Vivit - Chúa Kitô Đang Sống, 25/3/2019, bản dịch của Lm. Công Đức, số 107
[8] ĐTC PHANXICÔ, tông huấn Christus Vivit - Chúa Kitô Đang Sống, 25/3/2019, bản dịch của Lm. Công Đức, số 102
[9] ĐTC PHANXICÔ, tông huấn Christus Vivit - Chúa Kitô Đang Sống, 25/3/2019, bản dịch của Lm. Công Đức, số 286
[10] TEREXA CALCUTTA, Cristo en los Pobres, Madrid, 1981, 37 - 38
[11] ĐTC PHANXICÔ, tông huấn Christus Vivit - Chúa Kitô Đang Sống, 25/3/2019, bản dịch của Lm. Công Đức, số 64
[12] ĐTC PHANXICÔ, tông huấn Christus Vivit - Chúa Kitô Đang Sống, 25/3/2019, bản dịch của Lm. Công Đức, số 67
Càng sống mật thiết với Chúa, ta càng sống một cách trọn vẹn, đáng sống hơn.
Sống cho Chúa và sống cho tha nhân luôn liên hệ mật thiết với nhau, vì ai không yêu thương người mà họ nhìn thấy, thì đâu thể yêu thương Đấng mà họ không trông thấy.
Bài viết truyền tải đời sống kinh nghiệm và sự nhiệt huyết của bạn ❤️
Bài viết thể hiện lòng nhiệt huyết của tác giả trẻ, khi muốn sống theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhất là ở số 286, kêu gọi sống cho Chúa và cho tha nhân, rất hay!