"Đừng là người ngoài cuộc. Hãy dấn thân! Đức Giêsu đã không là người ngoài cuộc" ( Số 174, Tông Huấn Christus Vivit)
Chiều nay, trên chuyến xe về nhà sau khi Chính phủ đưa ra thông báo khẩn cấp cách li giữa các tỉnh, lòng tôi lâng lâng một cảm xúc khó tả. Cảm giác về nhà lần này không như những lần về Tết hay những lúc được nghỉ phép. Đường xá hôm nay sao vắng vẻ? Nó mất đi cái nhộn nhịp vốn có của nó. Khi đang ngồi viết những dòng này, tôi mới cảm nhận được sâu xa hơn ý nghĩa của câu nói của Đức Thánh Cha trích trong Tông Huấn Christus Vivit số 174 "Đừng là người ngoài cuộc. Hãy dấn thân! Đức Giêsu đã không là người ngoài cuộc". Những ngày vừa qua, thế giới không khỏi bàng hoàng trước những hậu quả của cơn đại dịch Covid -19. Chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng có những cảm nhận riêng về đại dịch, đang từng ngày cướp đi mạng sống của hàng vạn ngàn người trên toàn thế giới. Riêng tôi, trong những ngày ở nhà, tôi có một cái nhìn rất riêng về nó, tôi nhận ra đâu đó tình người đang lên ngôi.
Dịch bệnh Covid -19 xảy ra trong thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới. Đây là thời điểm nhiều quốc gia phương Đông, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền, nhưng không vì thế mà công tác phòng chống dịch bệnh bị bỏ lơ. Hàng loạt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ được ban hành kịp thời. Với tiêu chí “Chống dịch như chống giặc”, nhà nước dành mọi ưu tiên tốt nhất để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân, để không ai bị bỏ lại phía sau; đồng thời, giữ gìn sự ổn định, không để xảy ra những xáo trộn, lo lắng, hoang mang trong xã hội. Đó là về phía cấp trên, về phía người dân, những nghĩa cử cao đẹp thấm đẫm tình làng nghĩa xóm đã và đang diễn ra làm ấm lòng người. Thông tin những Sao Việt ủng hộ chống dịch, những tụ điểm phát khẩu trang miễn phí, những nơi phát thực phẩm miễn phí cho người nghèo và những người bán vé số lan tràn trên mạng xã hội. Cách ứng xử nhân văn của người Việt trong dịch bệnh Covid -19 làm tôi phải thán phục, vì bấy lâu nay tôi nghĩ họ lãnh cảm với mọi người. Tất cả đã đã giúp tôi vững tin hơn vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước; gia tăng sức mạnh, niềm tin, tạo động lực lớn để vượt qua khó khăn, hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn, bình an và hạnh phúc.
Hành trình của đời người luôn là một cuộc trở về. Đôi lúc trên bước đường đời, những lúc mệt mỏi ta chỉ muốn trở về bên gia đình, bên những người ta luôn yêu thương ta. Cuộc sống xô bồ, xon chen đã làm ta quên mất vẫn có người hằng mong ngóng ta trở về. Những câu chuyện ấm lòng trong cơn đại dịch như đưa tôi lên chuyến tàu để trở về với chính thực tại tận căn của lòng người. Trong từng mẫu chuyện tôi bắt gặp được hình ảnh mình đâu đó, lúc mờ ảo nhưng có những lúc thật đậm nét.
Giữa một thế giới đang có nhiều biến động, cơn dịch bệnh khủng khiếp đang hoành hành, nó đang khiến nhân loại phải hoang mang lo lắng. Đây là lúc thuận tiện để tôi dừng lại, nhìn lại mọi việc, để cảm nghiệm ý nghĩa sâu xa qua cơn dịch bệnh này. Đó là tình người trong cơn dịch bệnh. Với ý nghĩa này, nó đã giúp tôi thay đổi rất nhiều trong cách suy nghĩ vấn đề. Con người “bó tay” với một con virus nhỏ bé, sự phát triển của khoa học công nghệ dường như đang đầu hàng với nó, con số người chết tăng lên theo thời gian ở những nước mà được xem là cái nôi của sự phát triển. Từ đó, tôi mới nhận ra được rằng vẫn có một giới hạn mà con người không thể chạm tới. Đằng sau tất cả mọi chuyện vẫn có một bàn tay vô hình quan phòng mà tôi và các bạn gọi là Thượng Đế. Mình luôn tự hỏi, phép mầu có thật hay không? Sẽ có ông Bụt hay bà Tiên nào gõ đôi đũa phép xuống cuộc đời này. Thôi những đớn đau, thôi những khốn cùng.
Có một điều, mình biết, chính chúng ta sẽ có thể hóa thân mình thành ông Bụt hay Bà Tiên cho bất cứ ai trong cuộc đời này đang khánh kiệt sự sống. Đôi đũa phép cũng như đôi bàn tay. Và phép mầu chính là sự chia sẻ.
Từ những trĩu nặng của bi ai trầm luân này, mình tin chỉ cần chúng ta mở lòng, thương nhau mà sống, giúp nhau đi qua những quãng đời bão giông. Đóa "Hạnh An" từ tâm mình sẽ nở một màu "Thanh Lành" sáng rực rỡ nhất!
Đăng Vũ
Nguồn ảnh: Internet